Những điều cần nhớ khi dùng thuốc cho người cao tuổi
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Xem tử vi năm 2016 Bính Thân cho 12 con Giáp dựa theo ngày sinh !!!
Đối với người cao tuổi do sự biến đổi của quá trình lão hóa gây nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc hấp thu, chuyển hóa và đào thải thuốc trong cơ thể. Vì vậy người cao tuổi cần biết để việc dùng thuốc được an toàn, hợp lý, hiệu quả.
Luật người Cao tuổi Việt Nam được Quốc hội ban hành ngày 23/11/2009 quy định: Người có độ tuổi từ 60 trở lên được gọi là người cao tuổi. Khi tuổi càng cao thì sức khỏe càng thấp là câu nói cửa miệng của nhiều người. Sức khỏe và tuổi thọ của con người phụ thuộc vào yếu tố di truyền của mẹ cha, vào chất lượng cuộc sống từ lúc nằm trong bụng mẹ đến khi từ giã cuộc đời (lối sống của bản thân, môi trường sống: thiên nhiên và xã hội). Sinh – Lão-Bệnh- Tử là quy luật của mọi sinh vật, không ai có thể cưỡng lại được. Sự già hóa của con người không đợi đến tuổi già mà mỗi bộ phận lại bắt đầu tại một thời điểm khác nhau: Sớm nhất là tế bào thần kinh, da, phổi bắt đầu suy giảm từ năm 20 tuổi; sau đó đến bắp cơ, tóc từ năm 30 tuổi; xương năm 35 tuổi; tim, mắt, răng lúc 40 tuổi; tai, thận, tuyến tiền liệt khi 50 tuổi; ruột suy yếu lúc 55 tuổi (khi ruột khỏe thì lượng vi khuẩn có ích và có hại cân bằng nhau, khi ruột suy yếu lượng vi khuẩn có hại tăng lên, giảm chức năng tiêu hóa, tăng nguy cơ mắc bệnh cho cơ thể). Còn lại gan, nếu không uống rượu, không hút thuốc lá thuốc lào thì 70 tuổi gan mới bắt đầu lão hóa. Riêng với nữ sau tuổi mãn kinh lão hóa nhanh hơn nam.
Các bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi
Sức khỏe con người thường từ 50 trở đi đã bắt đầu suy giảm, đến 70 tuổi thì 70% đã có bệnh mạn tính, người ít thì 2 -3 bệnh, người nhiều thì phải chống chọi với 5-6 bệnh cùng lúc mà phần lớn là bệnh mạn tính phải điều trị suốt đời như tăng huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa khớp… Ngoài ra, các bệnh mạn tính khác thường thấy ở người cao tuổi như: Bệnh về mắt (đục thủy tinh thể sinh viễn thị, thoái hóa võng mạc sinh ra mắt mờ, mù lòa…), bệnh tai mũi họng (giảm thính lực, rối loạn tiền đình, ung thư xoang, vòm mũi…), bệnh răng hàm mặt (khô miệng do tuyến nước bọt bị lão hóa, viêm quanh răng mạn… ), bệnh ngoài da (đàn bà ngứa do tuổi già suy giảm oestrogen…), bệnh đường tiêu hóa (trướng bụng, táo bón, đi ngoài lỏng, viêm loét dạ dày tá tràng đau âm ỉ kéo dài gây mất ngủ, ung thư dạ dày, viêm đại tràng, xơ gan, ung thư gan, viêm túi mật…). Đồng thời người cao tuổi vẫn có thể mắc thêm bệnh cấp tính mới.
Người cao tuổi chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
An toàn, hợp lý khi dùng thuốc cho người cao tuổi
Với bản thân người bệnh:
Khi đi khám bệnh cần kể những bệnh mình đang có, các thuốc đang dùng, đã từng bị dị ứng với thuốc nào để bác sĩ cân nhắc, lựa chọn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh trên cơ địa người bệnh cụ thể…
Khi phải dùng thuốc chữa nhiều bệnh một lúc cần phân chia thuốc uống trong từng ngày, có ghi giờ uống cho từng loại thuốc. Trước khi ngủ tối, lại chuẩn bị thuốc uống cho ngày hôm sau để tránh nhầm lẫn.
Cần uống thuốc với nhiều nước để thuốc trôi ngay được xuống dạ dày, tránh tình trạng thuốc mắc ở thực quản gây viêm loét thực quản, nhất là đối với các thuốc gây kích ứng. Khi uống các loại thuốc viên, thuốc bột: cần uống với nước ấm (bất kể mùa nào) lượng nước đủ để hòa tan thuốc (từ 150 -200ml). Uống quá ít nước sẽ hại dạ dày do nồng độ thuốc quá đậm đặc. Đối với người có thực quản bị lão hóa gây khó nuốt, khi uống thuốc viên nén, viên nhộng cứng cần cho từng viên vào miệng rồi uống nước ngay, làm như thế đến khi uống hết thuốc.
Trong quá trình dùng thuốc, người cao tuổi cần theo dõi các tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra (ví dụ, khi uống thuốc huyết áp thấy ho, phù…) cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để được xử lý và có sự điều chỉnh thích hợp.
Khi dùng thuốc nhỏ mắt, phải ghi ngày mở nắp vào hộp thuốc. Mỗi khi dùng xong phải để lọ thuốc vào hộp, để biết đến tối đa là 30 ngày phải bỏ thuốc đi để tránh nhiễm khuẩn (dù còn nhiều thuốc, hạn dùng còn dài).
Khi dùng đông dược bào chế sẵn: Chỉ mua thuốc của các cơ sở sản xuất có uy tín. Nhiều loại đông dược ngày nay núp bóng thực phẩm chức năng để tránh tiền kiểm, hậu kiểm vì vậy cần cảnh giác vì có trường hợp thêm thuốc hóa chất (dexamethasone) vào cho tăng tác dụng giảm đau xương khớp, dùng hết liều thì hết đau xương nhưng lại bị loãng xương nặng hơn.
Cần học để biết cách dùng các loại thức ăn làm thuốc như: Tía tô, kinh giới, hành, tỏi, hẹ, củ gừng tươi, củ nghệ, lá mồng tơi, mật ong, chân gà hầm, xương lợn hầm… Các loại cây quanh nhà, trong vườn, cây cảnh có tác dụng làm thuốc (nhọ nồi, dâm bụt, sống đời…). Cách trồng và sử dụng những cây thuốc dễ trồng dễ sử dụng có nhiều công dụng quý như lô hội (nha đam)… để tự cứu mình, cứu người rất an toàn, hiệu quả, kịp thời, rẻ tiền.
Với người thân trong gia đình:
Vì người cao tuổi thường hay quên uống thuốc vào giờ nào, thuốc gì, trước bữa ăn hay sau bữa ăn, uống mấy viên… nên những người thân trong gia đình nên hỗ trợ các cụ trong việc tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, nhắc nhở người cao tuổi giờ uống thuốc, loại thuốc cần uống, liều lượng dùng… để việc dùng thuốc đạt hiệu quả và an toàn.
Ngoài ra hiện nay thường có tình trạng con, cháu quý cha mẹ, ông bà, thường mua thuốc bổ, nhân sâm Triều Tiên… để tặng mà không biết người được nhận quà đang có bệnh gì phải kiêng dùng những thứ này. Người tăng huyết áp, xơ vữa động mạch; bệnh đường tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, đau bụng do hàn, rối loạn tiêu hóa), viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật; bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, giãn phế quản, ho ra máu, lao phổi), ngoại cảm, ung thư… không dùng được nhân sâm. Người không biết cứ vô tư dùng, kết quả làm cho bệnh nặng thêm, có khi nguy hiểm tính mạng.
Với thầy thuốc:
Cần được bổ túc về lão khoa cho các bác sĩ khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Để tránh “thêm bệnh do thuốc” bác sĩ cần hỏi tiền sử bệnh tật, nghe tim phổi đầy đủ, hỏi cả gia cảnh người bệnh, phản ứng với tác dụng phụ của thuốc mà mình sắp kê đơn, kể cả bệnh nhân định kỳ hàng tháng đến khám để nhận thuốc điều trị bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… Ngoài việc chỉ định dùng thuốc chữa bệnh mạn tính, cấp tính, cần cho vitamin để nâng cao sức đề kháng cho người bệnh cao tuổi (cấp thuốc hay ghi đơn để mua). Các vitamin khác tùy theo bệnh cần dùng mà ghi đơn (tuy vitamin là thuốc bán không cần đơn, nhưng vẫn cần có sự hướng dẫn của bác sĩ để việc dùng thuốc được an toàn và hiệu quả).
Theo Suckhoedoisong
Leave a Reply