Dinh dưỡng cần lưu ý khi uống thuốc
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Xem tử vi năm 2016 Bính Thân cho 12 con Giáp dựa theo ngày sinh !!!
Khi có bệnh chúng ta phải uống thuốc, trong khi đó vẫn phải ăn uống hàng ngày. Vậy thực phẩm có ảnh hưởng thế nào tới tác dụng của thuốc? Và làm thế nào để khắc phục sự tác động không lợi này…
Thực phẩm có làm hỏng thuốc?
Thức ăn làm thay đổi nồng độ pH của dạ dày. Khi đói như thời điểm lúc sáng sớm, thời điểm tối muộn, dạ dày không còn thức ăn, chứa ít dịch nhầy nên đậm độ axit là rất lớn. Nhưng khi no, có nhiều thức ăn, nhiều chất nhầy, nhiều chất phụ gia được tiết vào nên đậm độ axit giảm xuống, độ pH sẽ tăng lên, có khi đạt đến 3. Vì thuốc thay đổi sự tồn tại và hấp thu theo pH nên các thức ăn mà làm thay đổi dịch axit của dạ dày sẽ làm thay đổi hẳn sự hấp thu của thuốc, do đó làm biến đổi hoạt lực điều trị. Chẳng hạn aspirin sẽ bị giảm hấp thu khi uống lúc no nên ít tác hại hơn. Các kháng sinh như ampicilin, meticilin không bền vững ở đậm độ axit cao, dễ bị phân huỷ nên nếu uống lúc đói hay dùng chung với các thực phẩm giàu axit như nước cam, nước chanh thì thuốc không có tác dụng, coi như không uống.
Tetracyclin dễ tạo kết tủa với canxi, magiê, sắt, nhôm nên nếu uống cùng với sữa hoặc uống ngay sau bữa ăn có đậm độ các kim loại này thì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Vì thế mà không nên uống tetracyclin cùng với việc sử dụng các thực phẩm như mộc nhĩ, đậu, rau cần, tiết, gan, sữa…
Thuốc nào tan mạnh trong lipid thì sẽ dễ hấp thu hơn trong chất béo. Nên nếu uống thuốc trùng với các bữa ăn có nhiều chất mỡ hay dầu thì sẽ làm tăng khả năng hấp thu và đạt phổ tác dụng cao hơn. Ví dụ, vitamin A, D, E, K sẽ hấp thu được với một lượng lớn hơn khi chúng ta sử dụng chung với các thực phẩm giàu chất béo như dầu, mỡ, thịt, các món xào. Các thuốc trị nấm griseofulvin, thuốc trị động kinh loại phenytoin, kháng sinh dòng sulfamid cũng tương tự như vậy.
Các coritcoid đáng ngại nhất là gây ra biến chứng chảy máu đường tiêu hoá. Mà cơ chế gây ra những tai biến này chính là do nó làm giảm tổng hợp lớp chất nhầy bảo vệ. Vì thế, nếu chúng ta sử dụng chế độ ăn thô, nhiều chất khó tiêu như khoai, xương, lương khô sẽ làm giảm tổng hợp chất nhầy, chẳng khác nào làm gia tăng tác hại của thuốc. Không chỉ có vậy, những thuốc nào làm tăng đậm độ axit trong dạ dày, một tác nhân vẫn được coi là yếu tố chủ đạo gây ra viêm loét, chảy máu và thủng đường tiêu hoá, thì sẽ làm tăng mức độ biến chứng của thuốc. Ví như nếu uống prednisolon hàm lượng cao, liều mạnh thì sẽ dễ làm biến chứng loét và chảy máu tiêu hoá nếu chúng ta sử dụng chung với một chế độ ăn nhiều chất axit như chanh, quất, giấm, dưa, cam, khế chua..
Đáng chú ý là canxi trong sữa dễ làm kết tủa một số loại thuốc như kháng sinh dòng tetracyclin, dòng kháng sinh xương khớp lincomycin, clindamycin. Do vậy, khi chúng ta uống sữa gần với thời điểm uống những thuốc này sẽ làm giảm hẳn nồng độ hiệu dụng của thuốc trong máu và do đó mà tác dụng của thuốc không đạt đến tối ưu.
Rượu cũng là một yếu tố hay đi kèm trong các bữa ăn của người nghiện rượu. Nhưng rượu lại là một câu chuyện đầy kịch tính với những thuốc mà có thể gây ra tác dụng độc hại. Cụ thể là ảnh hưởng rõ rệt với các thuốc tác động lên thần kinh trung ương như thuốc ngủ dòng benzodiazepin, thuốc trị Parkinson dòng levodopa thì rượu làm tăng tính thấm của những thuốc này vào tế bào thần kinh vượt qua những chỉ tiêu dự tính an toàn sử dụng. Thế nên có thể gây ra ức chế trung tâm hô hấp của thuốc ngủ nếu có dùng rượu, dễ làm tăng kích thích thần kinh của dòng levodopa nếu có mặt chất cồn.
Các thực phẩm có chất chua như dưa chua, giấm, chanh, quất, cam có tác dụng làm tăng khả năng hấp thu sắt. Do đó các bà mẹ mang thai mà sử dụng thêm những thức ăn này trong chế độ dinh dưỡng sẽ làm tăng nồng độ sắt được hấp thu. Cùng uống một lượng viên sắt như nhau nhưng hiệu quả thai kỳ nhờ sắt sẽ khác nhau nếu sử dụng đúng với những thực phẩm hỗ trợ. Trái lại, chè, cà phê làm giảm hấp thu sắt nghiêm trọng. Do vậy mà không nên sử dụng những đồ uống này nếu phải uống sắt.
Khắc phục thế nào?
Vì có những tác động tương hỗ hay tác động ức chế nhau giữa thuốc và thực phẩm nên chúng ta cần thận trọng lựa chọn thực phẩm trong thời gian uống thuốc.
Nếu không chắc chắn thì nên sử dụng một bữa ăn trung tính và cân bằng quy chuẩn các chất bột đường – mỡ – đạm. Không nên quá thiên về một chất nào mà có thể làm thay đổi biên độ điều trị hay làm thay đổi các độc tính của thuốc.
Nếu không có chỉ định đặc biệt thì nên uống thuốc bằng nước sạch tinh khiết, nước đun sôi để nguội. Vì đây là loại nước trung tính nhất mà ít ảnh hưởng tới lượng thuốc được hấp thu và biên độ tác dụng của thuốc. Với trẻ em, vị đắng của thuốc khó làm cho trẻ nuốt nên nếu có uống thuốc thì hãy uống kèm với nước đường mà không nên sử dụng một loại nước nào khác.
Khi bổ sung các vitamin A, D, E, K nên uống gần với thời điểm uống sữa hay nên dùng chung với một bữa ăn giàu chất béo vì nó làm tăng khả năng hấp thu các vitamin này, làm tăng nồng độ các vitamin di chuyển vào máu và tế bào, nhất là với trẻ em.
Không sử dụng thuốc chung với rượu hay quá gần thời điểm uống rượu vì những tương tác ngoài tầm kiểm soát. Vì lý do rượu có thể làm thay đổi độc tính của thuốc nên hãy thận trọng khi sử dụng các thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương. Một quy tắc an toàn là không dùng rượu trong thời điểm uống thuốc, dù chỉ là một chút. Nếu chẳng may có quên thì cần phải sử dụng thuốc cách xa thời điểm sử dụng rượu ít nhất 4 giờ.
Không nên sử dụng chế độ ăn giàu muối với các thuốc điều trị cần giảm muối như thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc lợi niệu điều trị phù thũng. Một chế độ ăn giảm muối và ăn nhạt vừa tốt cho tim lại vừa tốt cho các cơ chế tác dụng của thuốc.
Cuối cùng, hãy chấm dứt dùng thuốc càng sớm càng tốt ngay khi hoàn thành nhiệm vụ điều trị để mọi ảnh hưởng của thuốc tới thực phẩm không diễn ra. Điều này có ba mặt lợi: giảm tác dụng gây hại, không ảnh hưởng tới dinh dưỡng và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Theo Suckhoedoisong
Leave a Reply