Ưu điểm và nhược điểm của thuốc sủi
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Xem tử vi năm 2016 Bính Thân cho 12 con Giáp dựa theo ngày sinh !!!
Có cùng công dụng như dạng viên nén nhưng viên thuốc sủi được ưa chuộng hơn do có mùi vị hấp dẫn, dễ uống và tác dụng nhanh, đặc biệt là thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc bổ, vitamin.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, người dùng cần có những hiểu biết nhất định để tránh dùng thuốc quá liều hay làm tăng nặng bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, suy thận…
Lợi thế của thuốc viên sủi
Dễ sử dụng: Viên thuốc sủi bọt hay còn có tên gọi khác là viên sủi bởi vì khi thả vào nước, viên thuốc sẽ bị hòa tan trong nước tạo thành dạng dung dịch, cung cấp các chất cần thiết cho cơ thể tùy từng công dụng của mỗi loại dược phẩm (vitamin, thuốc bổ hay thuốc chữa bệnh khác) cho cơ thể. Thuốc viên sủi được bào chế khá đặc biệt, có thêm chất tạo màu và tạo hương (hương chanh, cam, bạc hà…) nhằm tạo ra sự hấp dẫn và dễ chịu khi uống thuốc, đồng thời giúp cơ thể hấp thu nhanh hơn. Dạng bào chế này đặc biệt thích hợp với người khó nuốt như trẻ em và người cao tuổi.
Tác dụng nhanh: Thuốc viên sủi được hòa tan trong nước vào dạ dày nên quá trình hấp thu thuốc viên sủi nhanh hơn nhiều so với thuốc dạng viên không sủi bọt, vì vậy người bệnh sẽ giảm nhanh các triệu chứng (đau, hạ nhiệt), bình phục nhanh hơn (đau xương khớp, đau đầu).
Và các nhược điểm khi dùng
Dễ bị lạm dụng: Thuốc được hòa tan trong nước, rất dễ uống nên hay bị nhiều người lạm dụng. Có trường hợp đã uống viên giảm đau, hạ sốt dạng sủi nhưng với tên khác, song lại uống thêm paracetamol gây nên quá liều paracetamol (vì trong viên sủi kia đã có paracetamol rồi). Dạng thuốc sủi khác thường bị lạm dụng là vitamin C. Lượng vitamin C cần bổ sung hàng ngày từ 60-100mg, nếu uống vitamin C liều cao 1.000mg thì chỉ cần 1 viên là đủ nhưng nhiều người lại bổ sung quá mức, thậm chí coi viên C sủi này như nước giải khát hàng ngày. Điều này dễ dẫn đến một số bệnh lý như sỏi thận, loét đường tiêu hóa…
Khó khăn trong bảo quản: Thuốc dạng sủi cần được bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ẩm vì nếu bảo quản không tốt, viên sủi sẽ hút ẩm và phản ứng hóa học giữa các tá dược rã sinh khí sẽ âm thầm xảy ra (giữa chất kiềm và acid hữu cơ nêu ở trên) làm cho chất lượng thuốc thay đổi. Chính vì vậy, bảo quản thuốc dạng sủi yêu cầu cẩn thận hơn so với các dạng bào chế khác, đặc biệt trong điều kiện khí hậu có độ ẩm cao như ở nước ta.
Những bệnh lý nào tuyệt đối không được dùng thuốc viên sủi
Bệnh tăng huyết áp: Đối với người bệnh tăng huyết áp đang uống thuốc thường xuyên không được uống thuốc viên sủi hạ sốt, giảm đau hay bổ sung vitamin. Nguyên nhân do dạng viên sủi, tá dược bao gồm một số chất tạo sủi là natri bicacbonat hoặc natri bicarbonat và acid hữu cơ như vitamin C. Khi bỏ viên sủi vào trong nước sẽ xảy ra phản ứng hóa học giữa chất kiềm và acid tạo thành muối ăn và các bọt khí CO2 trong dung dịch thuốc. Như vậy, thuốc viên sủi sau khi cho vào nước sẽ tạo ra thành phần là muối ăn sẽ gây tăng huyết áp đối với người có sẵn bệnh lý này.
Suy thận: Người bị suy thận thường phải ăn nhạt hơn bình thường, khi bị phù còn phải ăn nhạt hoàn toàn nên không được sử dụng viên sủi vì sau quá trình sủi bọt sẽ hình thành một lượng muối ăn, lượng muối này sẽ khiến bệnh nặng thêm.
Dùng thuốc viên sủi cần tuân thủ gì?
Chỉ sử dụng thuốc sủi khi còn nguyên vẹn viên sủi, nếu là thuốc sủi dạng bột thì phải còn nguyên vỏ thiếc, nếu vỏ rách, thuốc bị ẩm thì phải vứt bỏ. Chỉ uống sau khi thuốc đã hòa tan hoàn toàn trong lượng nước sôi để nguội vừa đủ. Không bao giờ được bẻ nhỏ viên sủi bọt hoặc bỏ nguyên viên thuốc đưa trực tiếp vào miệng để uống. Thuốc có thể gây cảm giác ậm ạch do có nhiều hơi trong bụng, táo bón hoặc tiêu chảy, vì thế không nên dùng viên thuốc sủi sau khi đã uống các loại nước giải khát có gas.
Theo Suckhoedoisong
Leave a Reply