Những điều cần ghi nhớ khi đặt vòng tránh thai
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Xem tử vi năm 2016 Bính Thân cho 12 con Giáp dựa theo ngày sinh !!!
Nếu tuân thủ đúng nguyên tắc khi đặt vòng tránh thai thì hiệu quả ngừa thai có thể đạt 99%.
1. Cơ chế hoạt động của vòng tránh thai
Vòng tránh thai là một dụng cụ làm bằng nhựa, có thể có phủ thêm đồng bên ngoài để làm tăng hoạt tính. Vòng đặt vào lòng tử cung, mục đích kích hoạt hoạt động của bạch cầu và các hoạt chất có liên quan phản ứng viêm.
Hoạt động này giúp tiêu diệt hoặc làm suy yếu tinh trùng trên con đường quá cảnh từ âm đạo qua buồng tử cung vào vòi trứng, đồng thời cũng ngăn cản trứng làm tổ, một khi trứng đã được thụ tinh bởi các tinh trùng còn sót lại và đi vào buồng tử cung.
2. Cần khám phụ khoa trước khi đặt vòng
Nếu không khám phụ khoa trước khi đặt vòng mà chị em đang có bệnh lý viêm, nhiễm thì thủ thuật đặt vòng sẽ tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập sâu bên trong, gây nhiễm trùng vùng chậu, gây viêm dính vòi trứng, dẫn đến vô sinh sau này.
3. Tác dụng phụ khi đặt vòng
Đối với vòng có progesterone sẽ gây ra những tác dụng phụ như nhức đầu, buồn nôn, đau vú, rậm lông, mụn trứng cá, tăng tỷ lệ xuất hiện các nang chức năng của buồng trứng, rong huyết kéo dài, vô kinh, thiểu kinh (tương tự như tác dụng phụ của que cấy tránh thai).
4. Đau và ra máu có bất thường?
Tác dụng bất lợi thường nhất của vòng tránh thai là đau và ra máu âm đạo. Đau có thể gặp lúc đặt, khi đang sử dụng hay lấy vòng; đau lúc hành kinh hay ngoài thời điểm hành kinh nhưng những biểu hiện này thường hết sau vài tháng đầu mới đặt vòng.
Nếu chị em thấy đau bụng âm ỉ, huyết dịch hôi, xuất huyết nhiều và kéo dài thì nên đi khám ngay vì đây có thể là biểu hiện của việc bị nhiễm trùng hoặc lệch vòng, thậm chí là thủng tử cung…
5. Biến chứng có thể gặp khi đặt vòng tránh thai
Nếu người đặt vòng thiếu kinh nghiệm, làm không đúng kĩ thuật, quá mạnh tay, không lường trước được tư thế và kích thước tử cung (tử cung nhỏ quá mà vẫn cố đặt vòng) sẽ dẫn đến hai tình huống: vòng sụt xuống thấp, đặt không đúng vị trí dẫn đến “vỡ kế hoạch”; vòng đâm thủng cơ tử cung rồi rơi ngay vào ổ bụng, hoặc sau vài tuần, vài tháng, thậm chí vài năm sau mới từ từ chui vào ổ bụng.
Chú ý: Với những người mới sinh, cơ tử cung mềm, nhão; hoặc tử cung có vết sẹo cũ do sinh mổ thì người thực hiện đặt vòng phải là bác sĩ có kinh nghiệm.
6. Việc “vỡ kế hoạch” khi đặt vòng có ảnh hưởng đến thai nhi?
Các nghiên cứu cho thấy, có 1-3 trường hợp có thai xảy ra trong một năm ở 100 phụ nữ sử dụng vòng tránh thai. Trong đa số trường hợp thì thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe em bé vì vòng nằm ngoài túi thai.
Tuy nhiên, có một số ít trường hợp khi thai lớn, vòng có thể sẽ chạm vào túi ối, gây vỡ ối sớm, sinh non hoặc sẩy thai. Bởi vậy, cách tốt nhất là đến bệnh viện khám, điều trị ngay.
7. Vòng tránh thai – Thủ phạm gây thai ngoài tử cung?
Vòng tránh thai trong trường hợp này đã “bị oan”. Thực tế, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này. Ngược lại, theo một phân tích về hiệu quả các biện pháp tránh thai của American Journal of Public Health (một trong những tạp chí khoa học hàng đầu tại Mỹ), trong 100 trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra trên những người dùng biện pháp ngừa thai, chỉ có 3 người có dùng vòng tránh tahi nhưng lại có đến 15 trường hợp dùng que cấy hay thuốc tiêm.
8. Vòng tránh thai làm tổn thương “thằng nhỏ”?
Nhiều phụ nữ khi đặt vòng tránh thai thấy huyết trắng nhiều hơn bình thường. Thật ra đó chỉ là tình trạng tăng tiết, huyết trắng lúc này là sinh lý bình thường, không gây rát, ngứa và cũng không cần điều trị.
Chưa kể, nhiều ông chồng lo ngại dây vòng sẽ làm tổn thương “của quý” hay làm giảm bớt “sự sung sướng”. Điều này không có cơ sở khoa học. Thực tế, dây vòng chỉ bằng nhựa, nhỏ bằng sợi cước và không ảnh hưởng nhiều đến việc “yêu”.
9. Những trường hợp không nên đặt vòng tránh thai
Tuyệt đối:
– Có thai hay nghi ngờ có thai.
– Viêm nhiễm đường sinh dục.
– Xuất huyết tử cung bất thường chưa rõ nguyên nhân.
– Viêm niêm mạc tử cung sau khi sinh hay sau phá thai nhiễm trùng trong 3 tháng gần đây.
– Bệnh ác tính đường sinh dục.
Tương đối:
– Chưa có con.
– Tiền sử thai ngoài tử cung, tái tạo tai vòi.
– Rối loạn đông máu.
– Bất thường về tâm thần cản trở việc theo dõi vòng.
– Bệnh van tim.
– Lạc nội mạc tử cung.
– U xơ tử cung.
– Sa sinh dục độ II, III.
– Nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường sinh dục cao.
– Tiền sử dị ứng đồng, bệnh Wilson, bất thường trong hấp thu chuyển hoá đồng.
Theo Suckhoegiadinh
Leave a Reply