Viêm nhiễm cơ quan sinh dục ở phụ nữ
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Xem tử vi năm 2016 Bính Thân cho 12 con Giáp dựa theo ngày sinh !!!
Viêm nhiễm cơ quan sinh dục nữ chủ yếu là các viêm nhiễm ở âm hộ, âm đạo và cổ tử cung. Căn nguyên thường do các yếu tố:
– Nấm men Candida gây viêm âm hộ – âm đạo.
– Trùng roi âm đạo gây viêm âm đạo.
– Vi khuẩn gây viêm âm đạo do vi khuẩn.
– Lậu cầu khuẩn gây viêm ống cổ tử cung và niệu đạo.
– Chlamydia Trachomatis gây viêm ống cổ tử cung và niệu đạo.
Triệu chứng lâm sàng
Các dấu hiệu và triệu chứng của tiết dịch âm đạo bệnh lý (khí hư): số lượng ít hoặc nhiều, loãng hoặc đặc, màu trong, đục hoặc màu vàng, mùi hôi hoặc không hôi. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác đi kèm:
– Ngứa vùng âm hộ, âm đạo (đặc biệt do nấm men Candida).
– Cảm giác bỏng rát vùng âm hộ, âm đạo (đặc biệt do nấm men Candida).
– Viêm nề âm hộ.
– Ðau khi giao hợp.
– Có thể kèm theo đái khó.
Xét nghiệm hỗ trợ
– Soi tươi để tìm trùng roi âm đạo và nấm Candida.
– Nhuộm Gram tìm lậu cầu khuẩn.
– Xét nghiệm nhanh Sniff (thử nghiệm mùi hôi với KOH 10%) để xác định viêm âm đạo do vi khuẩn.
Chẩn đoán
Viêm ống cổ tử cung do lậu và Chlamydia: trong ống cổ tử cung có dịch nhày mủ hoặc mủ có máu. Có thể kèm theo viêm tuyến Bartholin, Skene.
Viêm âm đạo: có khí hư âm đạo với tính chất:
– Do Candida: khí hư đặc, màu trắng như váng sữa dính vào thành âm đạo, có vết trợt, số lượng nhiều hoặc vừa; thường kèm theo ngứa và cảm giác bỏng rát âm hộ-âm đạo.
– Do trùng roi âm đạo: khí hư màu xanh, loãng, có bọt, số lượng nhiều, mùi hôi, có thể gây viêm cổ tử cung nặng (cổ tử cung như quả dâu). Chẩn đoán xác định bằng soi tươi dịch âm đạo có trùng roi di động.
– Do vi khuẩn: màu xám trắng, đồng nhất, dính đều vào thành âm đạo, số lượng ít, mùi hôi. Test Sniff dương tính.
Ðiều trị
Nếu xác định được nguyên nhân thì điều trị nguyên nhân, nếu không thì điều trị theo hội chứng.
Ðối với mọi trường hợp tiết dịch âm đạo, cán bộ y tế cần xác định và điều trị cho cả bạn tình, trừ trường hợp viêm âm đạo do nấm hoặc vi khuẩn.
Phác đồ điều trị viêm ống cổ tử cung
Ðiều trị đồng thời lậu và Chlamydia Trachomatis theo 1 trong 3 phác đồ sau:
Ceftriaxone 250mg, tiêm bắp liều duy nhất + Doxycyclin 100mg uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên, trong 7 ngày, hoặc
Spectinomycin 2g, tiêm bắp liều duy nhất + Doxycyclin 100mg uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên, trong 7 ngày, hoặc
Cefotaxime 1g, tiêm bắp liều duy nhất + Doxycyclin 100mg uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên, trong 7 ngày.
Chú ý:
Có thể thay Doxycyclin bằng Tetraxylin 500mg uống ngày 4 lần, mỗi lần 1 viên, trong 7 ngày.
Không dùng Doxycyclin và Tetraxylin cho phụ nữ có thai và cho con bú, thay thế bằng một trong các phác đồ sau:
Erythromycin base 500mg uống ngày 4 lần, mỗi lần 1 viên, trong 7 ngày, hoặc
Amoxilin 500mg uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên, trong 7 ngày, hoặc
Azithromycin 1g uống liều duy nhất.
Ðiều trị cho bạn tình dù họ không có triệu chứng lậu và Chlamydia với liều tương tự
Phác đồ điều trị viêm âm đạo
Ðiều trị đồng thời viêm âm đạo do trùng roi, viêm âm đạo do vi khuẩn và viêm âm đạo do nấm men Candida.
Ðiều trị viêm âm đạo do trùng roi và vi khuẩn:
Dùng một trong các phác đồ sau đây:
Metronidazol 2g hoặc Tinidazole 2g uống liều duy nhất, hoặc
Metronidazol 500mg uống 2 lần/ngày x 7 ngày.
Với viêm âm đạo do trùng roi, điều trị cho bạn tình với liều tương tự.
Ðiều trị viêm âm đạo do nấm men Candida
Dùng một trong các phác đồ sau đây:
Nystatin viên đặt âm đạo 100.000 đơn vị, 1 hay 2 viên/ngày trong 14 ngày, hoặc
Miconazole hoặc Clotrimazole viên đặt âm đạo 200mg, 1 viên/ngày trong 3 ngày, hoặc
Clotrimazole 500mg, viên đặt âm đạo, đặt 1 liều duy nhất, hoặc
Itraconazole (Sporal) 100mg uống 2 viên/ngày trong 3 ngày, hoặc
Fluconazole (Diflucan) 150mg uống 1 viên duy nhất.
Chú ý:
Không cần điều trị cho bạn tình.
Viêm cổ tử cung lộ tuyến
– Là giai đoạn tiến triển của viêm cổ tử cung nếu không được điều trị tích cực. Lộ tuyến (hay lộn tuyến) là các tổn thương ở cổ tử cung do các tế bào tuyến nằm trong ống cổ tử cung phát triển ra ngoài, xâm lấn mặt ngoài của cổ tử cung.
Do các tế bào tuyến lộ ra ngoài vẫn tiết dịch như khi ở trong cổ tử cung nên bệnh nhân thường có hiện tượng tăng tiết dịch trong âm đạo, dễ dẫn đến viêm nhiễm (khi đó gọi là lộ tuyến viêm).
– Nguyên nhân gây lộ tuyến chưa được biết rõ, nhưng bệnh thường gặp hơn ở những phụ nữ đã sinh nở, trong thời kỳ buồng trứng còn hoạt động mạnh. Vì thế, ở người đã mãn kinh, lộ tuyến thường không tồn tại nữa. Đôi khi bệnh cũng xuất hiện ở trẻ em (bẩm sinh).
Bản thân lộ tuyến là một tổn thương lành tính. Nhưng trong quá trình chúng xâm lấn ra, các tế bào lát bên ngoài cổ tử cung sẽ phản ứng tăng sinh nhằm đẩy lùi sự xâm lấn, có khi làm xuất hiện những tổn thương bị nghi ngờ là có thể dẫn đến ung thư.
Nếu lộ tuyến kèm theo viêm nhiễm thì phải dùng thuốc điều trị chống viêm. Tuy vậy, thuốc chống viêm không chữa khỏi lộ tuyến. Muốn chữa hết lộ tuyến thì phải dùng các biện pháp diệt tuyến (nghĩa là phải đốt chúng bằng điện, lazer, áp lạnh hay bằng hóa chất). Việc đốt tuyến cũng chỉ được thực hiện sau khi đã chữa khỏi viêm. Trước khi đốt phải soi cổ tử cung hoặc làm phiến đồ âm đạo để phát hiện những bất thường của tế bào cổ tử cung.
Thông tin và tư vấn
Mọi trường hợp mắc hội chứng tiết dịch âm đạo đều cần được thông tin và tư vấn về hành vi tình dục an toàn, trừ trường hợp đã xác định là do nấm men hoặc vi khuẩn nội sinh. Các vấn đề chính cần tư vấn cho người mắc hội chứng tiết dịch âm đạo, đặc biệt đối với các trường hợp được chẩn đoán xác định hoặc có khả năng bị lậu, nhiễm Chlamydia và trùng roi âm đạo là:
– Các hậu quả của bệnh có thể là nhiễm khuẩn ngược dòng, chửa ngoài tử cung, vô sinh…
– Tuân thủ phác đồ điều trị dù triệu chứng đã hết, đến khám lại theo lịch hẹn.
– Khả năng lây truyền cho bạn tình.
– Kiêng quan hệ tình dục cho đến khi kết thúc điều trị.
– Tình dục an toàn và sử dụng bao cao su đúng cách và thường xuyên.
– Ðiều trị cho cả bạn tình.
Theo Thuocbietduoc
Leave a Reply