Những cách phòng ngừa sẩy thai tốt nhất cho các mẹ bầu
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Xem tử vi năm 2016 Bính Thân cho 12 con Giáp dựa theo ngày sinh !!!
Sẩy thai là sự chấm dứt của thai kỳ trước thời hạn. Thuật ngữ này thường được dùng khi bào thai bị hư trước khi có thể sống sót bên ngoài tử cung, nghĩa là khoảng 22 đến 24 tuần từ lúc có thai. Các thuật ngữ khác được dùng bao gồm sẩy thai tự phát và hư thai sớm. Dưới đây là những kiến thức cơ bản về sẩy thai và cách phòng ngừa sẩy thai dành cho các mẹ.
Khoảng 15% đến 20% trường hợp mang thai bị sẩy. Đa số các ca sẩy thai xảy ra trước khi mang thai đủ 12 tuần. Trong vài tuần đầu của thai kỳ, hiện tượng sẩy thai đôi khi xảy ra vì trứng đã thụ tinh không tạo thành một bào thai hoàn chỉnh. Trong nhiều trường hợp, tim thai ngừng đập nhiều ngày hay nhiều tuần trước khi các triệu chứng sẩy thai xuất hiện.
Một dấu hiệu thường gặp khi sẩy thai là xuất huyết, mặc dù không phải tất cả những trường hợp xuất huyết khi mang thai đều dẫn đến sẩy thai.
Trong những năm trước khi có công nghệ siêu âm, sẩy thai được chẩn đoán khi cơ thể của người phụ nữ đã đẩy toàn bộ hoặc một phần của bào thai, nhau thai và chất dịch quanh thai ra ngoài. Ngày nay, siêu âm có thể xác định sẩy thai trước khi cơ thể bắt đầu quá trình đào thải. Đôi khi phát hiện này được gọi là một ca “sẩy thai”.
Phân loại sẩy thai và có khả năng sẩy thai
Nguy cơ sẩy thai – một ca sẩy thai được coi là có nguy cơ xảy ra khi có chảy máu từ tử cung trước khi thai được 20 tuần nhưng cổ tử cung đóng và có bằng chứng cho thấy tim thai vẫn hoạt động.
Sẩy thai không thể tránh khỏi – một ca sẩy thai được gọi là không thể tránh khỏi nghĩa là không thể cứu vãn được, nếu có chảy máu từ tử cung và cổ tử cung mở trước 20 tuần, nhưng bào thai lẫn nhau thai đều chưa ra khỏi cơ thể người phụ nữ. Màng quanh bào thai có thể đã bị vỡ (rách).
Sẩy thai không hoàn thiện – sẩy thai được gọi là không hoàn chỉnh khi một phần của bào thai hoặc nhau thai đã ra khỏi tử cung trước 20 tuần tuổi, nhưng một phần nhau thai hoặc bào thai vẫn nằm trong tử cung.
Sẩy thai hoàn toàn – sẩy thai được gọi hoàn toàn nếu bào thai, tất cả màng quanh bào thai và nhau thai bị đều bị đẩy ra ngoài và cổ tử cung đóng trước 20 tuần.
Sẩy thai không phát hiện – từ này dùng để chỉ hiện tượng bào thai đã chết trước 20 tuần tuổi nhưng bào thai và nhau thai bị đều không bị đẩy ra ngoài tử cung.
Sẩy thai lặp lại – một phụ nữ được gọi là bị sẩy thai lặp lại nếu đã sẩy thai hơn ba lần liên tục. Khoảng 1% phụ nữ bị sẩy thai lặp lại.
Trứng trống hoặc thai không phôi – hiện tượng này xảy ra khi một túi thai hình thành bên trong tử cung nhưng không có bào thai nào xuất hiện sau bảy tuần.
Nếu một thai kỳ kết thúc sau 20 tuần thì không được gọi là sẩy thai. Bào thai rời khỏi cơ thể mẹ, và nếu bào thai không còn sống thì hiện tượng được gọi là chết non.
Các vấn đề với nhiễm sắc thể của bào thai gây ra khoảng 50% trường hợp sẩy thai. Nhiễm sắc thể là những chuỗi ADN dài, mỗi chuỗi chứa hàng nghìn gien. Các gien lại hướng dẫn các protein và các phân tử khác tạo ra, định hình và chi phối cơ thể cũng như sức khỏe của chúng ta.
Trong hầu hết các trường hợp thì sự bất thường của nhiễm sắc thể gây ra sẩy thai không phản ánh bất kỳ dị tật nào từ bố hoặc mẹ. Chúng chỉ phản ánh những vấn đề phát triển khi trứng hay tinh trùng phát triển, hoặc khi trứng được thụ tinh và bắt đầu phân chia. Trong những trường hợp sẩy thai là liên quan đến dị dạng nhiễm sắc thể, nhiều người cho rằng đó là cách mà cơ thể chấm dứt một quá trình mang thai bất thường.
Trong một số trường hợp khác thường, sẩy thai có thể xảy ra nếu có vấn đề với cấu trúc bên trong của tử cung hoặc chức năng cổ tử cung của người mẹ.
Các bệnh truyền nhiễn như rubella cũng có thể gây sẩy thai. Điều này đã khiến một số người tự hỏi liệu có phải các loại bệnh truyền nhiễm khác cũng gây hư thai hay không, nhưng rất ít mối liên hệ được xác nhận. Một số chuyên gia nghi ngờ rằng sự mất cân đối về hormone có thể dẫn đến sẩy thai, nhưng quá trình xác định cụ thể sự bất thường rất khó khăn trong thực thế.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, hệ miễn dịch của người phụ nữ dường như phản ứng với mô hình thành khi mang thai và dẫn đến sẩy thai. Nhìn chung, rối loạn hệ miễn dịch gây ra rất ít trường hợp sẩy thai, nhưng trong số những phụ nữ đã sẩy thai liên tục ba lần hoặc hơn (sẩy thai lặp lại) thì rối loạn hệ miễn dịch nguyên nhân gây ra từ 5% đến 10% trường hợp. Một vấn đề kháng thể khá phổ biến có thể dẫn đến sẩy thai được gọi là “hội chứng kháng thể kháng phospholipid.” Một ví dụ về sự liên quan hệ giữa miễn dịch với sẩy thai là sự giải phóng các kháng thể phản ứng với tuyến giáp.
Sự hiện hữu của hai loại kháng thể trên đều bất thường. Nhưng hiện tượng này phổ biến hơn đối với trường hợp sẩy thai nhiều lần. Nếu bị sẩy thai nhiều lần, bạn có thể được kiến nghị xét nghiệm những kháng thể kể trên. Điều trị các rối loạn kháng thể có thể làm giảm nguy cơ sẩy thai.
Trong nhiều trường hợp, không thể tìm ra nguyên nhân gây sẩy thai.
Các triệu chứng của sẩy thai
Các triệu chứng sẩy thai bao gồm:
Xuất huyết âm đạo, có thể bắt đầu bằng sự tiết dịch màu nâu. Khi sự xuất huyết trở nên nghiêm trọng, có thể có các cục máu đông hoặc mô khác đi qua âm đạo. Tuy nhiên, không phải trường hợp xuất huyết khi mang thai nào cũng là dấu hiệu sẩy thai.
Chuột rút hoặc đau trong vùng chậu, thắt lưng hoặc bụng
Giảm các dấu hiệu thường gặp của đầu thai kỳ, chẳng hạn như buồn nôn và đau ngực. Tuy nhiên, những triệu chứng kể trên thường biến mất trong những trường hợp mang thai khỏe mạnh. Vì vậy, sự biến mất của chúng hiếm khi được coi là dấu hiệu sẩy thai.
Ngoài khả năng sẩy thai thì đau hoặc chảy máu âm đạo khi mang thai có thể xảy ra do một số vấn đề khác, ví dụ như mang thai lạc vị. Hãy gọi ngay cho bác sĩ, hộ sinh, y tá khi có các triệu chứng này.
Chẩn đoán sẩy thai
Trường hợp sẩy thai hoặc nghi ngờ sẩy thai thường được tiến hành siêu âm và kiểm tra vùng chậu. Bác sĩ, hộ sinh hoặc y tá sẽ kiểm tra vùng chậu để kiểm tra kích cỡ của tử cung và xác định xem cổ tử cung của bạn đang mở hay đóng. Nếu quá trình sẩy thai đang diễn ra, cổ tử cung thường mở và bào thai sẽ không thể sống sót. Nếu quá trình sẩy thai đã diễn ra, cổ tử cung có thể mở hay đóng, tùy thuộc vào việc tất cả các mô hình thành khi mang thai đã ra khỏi tử cung hay chưa.
Xét nghiệm máu cũng thường được tiến hành để xác nhận nhóm máu của bạn và kiểm tra mức độ human chorionic gonadotropin (beta-hCG), một loại hormone được nhau thai giải phóng vào cơ thể khi bạn có thai. Nếu lượng hormone thai kỳ trong cơ thể bạn ở mức thấp hoặc các xét nghiệm liên tục cho thấy nồng độ ngày càng giảm thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn có thể đã bị sẩy thai.
Trong nhiều trường hợp, khi có các triệu chứng sẩy thai, thì quá trình đánh giá sẽ bao gồm hoặc bắt đầu bằng cách siêu âm. Siêu âm được dùng để xác định một bào thai có tồn tại hay không và tim thai có đập hay không. Cùng với kết quả xét nghiệm máu, kết quả siêu âm có thể giúp bác sĩ đánh giá sức khỏe thai kỳ và xem xét các chẩn đoán khác như mang thai trong vòi.
Nếu các mô hình thành khi mang thai đã ra khỏi âm đạo, bạn có thể mang nó đến cho bác sĩ của bạn trong một lọ thuỷ tinh hay hộp nhựa nắp kín. Việc này có thể có ích nhưng không phải là hoạt động bắt buộc cho quá trình chẩn đoán sẩy thai. Trong một số trường hợp, những mô này có thể được gửi tới một phòng thí nghiệm để được kiểm tra dưới kính hiển vi.
Thời gian kéo dài
Một khi sự xuất huyết và sẩy thai đã bắt đầu hay sự hư thai được chẩn đoán (ví dụ: trường hợp sẩy thai không hoàn thiện hoặc sẩy thai không phát hiện rất khó có thể đoán được sự xuất huyết sẽ tiếp diễn trong bao lâu, cần bao lâu để tất cả các mô ra ngoài và có thể ra hết mà không cần trợ giúp hay không. Trong nhiều trường hợp, tất cả các mô sẽ thoát ra ngoài mà không cần sự can thiệp. Trong những trường hợp này, chảy máu và chuột rút sẽ giảm dần trong một đến hai tuần. Sẩy thai xảy ra trong 3 tháng giữa của thai kì có thể kéo theo một khoảng thời gian xuất huyết dài hơn. Khi sử dụng thuốc hoặc các biện pháp để loại bỏ các mô thì tùy trường hợp mà các triệu chứng sẽ tồn tại trong thời gian dài hay ngắn.
Ngăn ngừa sẩy thai
Nếu sẩy thai sắp xảy ra thì bạn thường không thể ngăn chặn nó. Trong quá khứ, nếu như có xuất huyết sớm khi mang thai và chẩn đoán cho thấy có nguy cơ sẩy thai thì thai phụ được khuyên nên giảm bớt các hoạt động hoặc thậm chí là nằm nghỉ trên giường. Ngày nay, hầu hết các bác sĩ nhận ra rằng có rất ít bằng chứng cho thấy bất kỳ sự can thiệp nào có thể làm giảm nguy cơ sẩy thai.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể giảm nguy cơ bị sẩy thai trong tương lai bằng cách chăm sóc tốt cho bản thân, ăn uống lành mạnh, bổ sung axit folic, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc. Nếu bạn mắc bất cứ bệnh nào trong thời gian mang thai thì tốt nhất nên làm việc với bác sĩ để lên một kế hoạch điều trị giúp cho bạn và bào thai là an toàn và khỏe mạnh nhất có thể. Lưu ý rằng sẩy thai không xảy ra do các hoạt động thể chất thường ngày, các tai nạn nhỏ, thể dục, quan hệ tình dục, hoặc vấp ngã nhẹ.
Nếu bạn đã bị sẩy thai vài lần liên tục, bác sĩ có thể khuyên bạn và chồng tiến hành đánh giá chi tiết để giúp nhận biết, nếu có thể, lý do gây sẩy thai.
Điều trị sẩy thai
Nếu bạn bị sẩy thai không phát hiện hoặc sẩy thai không hoàn thiện thì bạn có ba lựa chọn. Thứ nhất là cẩn thận lưu ý các vấn đề có thể xảy ra nhưng để cho các mô tự thải ra. Nếu chảy máu nhiều, đau dữ dội thì bạn và bác sĩ sản phụ khoa có thể chọn phẫu thuật nong và nạo để nhẹ nhàng mở cổ tử cung của bạn và các mô còn sót lại ra khỏi tử cung của bạn. Một lựa chọn thứ ba trong ba tháng đầu của thai kỳ là đặt thuốc trong âm đạo (thường tự làm ở nhà) để đẩy nhanh quá trình thải các mô. Lựa chọn thứ ba cần ít thời gian chờ hơn lựa chọn đầu tiên và trong hầu hết các trường hợp sẽ không phải phẫu thuật. Bạn và bác sĩ có thể thảo luận để có lựa chọn tốt nhất đối với bạn.
Nếu sẩy thai sau tuần thứ 12 của thai kỳ thì phẫu thuật nong và nạo thường được khuyên dùng. Thuốc kích thích chuyển dạ được kiến nghị trong rất ít trường hợp. Phương pháp này được áp dụng nhiều khi cổ tử cung đã mở rộng hoặc thai đã gần 20 tuần tuổi. Những thủ thuật áp dụng cho ba tháng giữa của thai kỳ (cụ thể là dùng thuốc kích thích chuyển dạ) có thể khiến bạn phải nằm viện lâu hơn so với những thủ thuật cho ba tháng đầu của thai kỳ.
Khi nào thì nên gọi cho chuyên gia?
Gọi cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe đang theo dõi quá trình thai nghén của bạn ngay lập tức nếu như bạn có các triệu chứng sẩy thai, chẳng hạn như xuất huyết âm đạo hoặc đau dai dẳng ở vùng chậu, bụng hoặc lưng.
Dự đoán sẩy thai
Xác suất bị sẩy thai lần nữa phụ thuộc vào nguyên nhân khiến bạn bị sẩy thai lần đầu. Bởi vì, như đã nói ở trên, sẩy thai xảy ra đối với 15% đến 20% trường hợp mang thai, ngay cả với những cặp vợ chồng khỏe mạnh.
Nếu đã bị sẩy thai, bạn thường được khuyên nên chờ khoảng hai đến ba tháng rồi hãy cố mang thai lần nữa. Tuy nhiên, nếu bạn mang thai sớm hơn thì cũng không có dấu hiệu cho thấy nguy cơ tăng cao. Đối với nhiều người, câu trả lời cho câu hỏi “khi nào nên thử lại” không liên quan đến thể chất mà là sự hồi phục cảm xúc sau khi sẩy thai.
Sau khi sẩy thai, sẽ rất bình thường khi cảm thấy buồn bã, đau khổ, và trầm cảm. Bác sĩ có thể kiến nghị các nguồn hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn này.
Leave a Reply