Thực đơn khi bị tiêu chảy
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Xem tử vi năm 2016 Bính Thân cho 12 con Giáp dựa theo ngày sinh !!!
Tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp, khởi phát đột ngột, đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng có khi ra như chảy, đôi khi phân có máu. Bệnh nhân có thể kèm theo đau bụng, nôn mửa, sốt.
Hậu quả của tiêu chảy cấp là mất nước và điện giải có thể gây tử vong. Do đó, dinh dưỡng cho bệnh nhân tiêu chảy cấp có vai trò quan trọng góp phần rút ngắn quá trình điều trị.
Các loại thực phẩm nên dùng: gạo, bột gạo, khoai tây, cà rốt; thịt gà, thịt lợn nạc, dầu thực vật; sữa đậu nành, sữa ít lactose hoặc không có latose; chuối, hồng xiêm, ổi chín, táo tây…
Các loại thực phẩm không nên dùng: các loại nước giải khát công nghiệp có ga và nhiều đường; các loại thực phẩm có nhiều xơ, ít chất dinh dưỡng như: tinh bột nguyên hạt (đỗ ngô) và các loại rau có nhiều chất xơ; các loại thức ăn có nhiều đường (bánh kẹo…); các thức ăn chế biến sẵn (giò, chả, xúc xích, thịt hun khói, patê).
Nguyên tắc xây dựng thực đơn
Bù nước và điện giải: nước oresol (ORS), nước khoáng, nước gạo rang, nước cơm, nước rau quả.
Nâng dần khối lượng thức ăn để đảm bảo cung cấp đủ nước và điện giải, năng lượng, protein (đạm), vitamin. Từ ăn lỏng chuyển sang ăn đặc, chủ yếu là bột ngũ cốc, bột khoai, khoai lang nghiền; thịt nạc, nước rau, nước quả, sữa chua.
Không dùng các thức ăn dễ gây lên men, sinh hơi trong ruột và khó hấp thu như trứng, sữa, thịt mỡ và chất béo, rau có nhiều chất xơ.
Xây dựng thực đơn trong tiêu chảy cấp (gồm 3 giai đoạn)
Giai đoạn đầu: 24-48 giờ (chủ yếu là bù dịch).
Bệnh nhân tiêu chảy nhiều, mất nước và điện giải nhiều, cần cho uống ORS và phối hợp truyền dịch mặn, ngọt. Ngoài ra còn cần có một chế độ ăn đủ nước và điện giải để chống lại sự mất nước, mất muối, đồng thời mang lại một số tối thiểu calo. Năng lượng khoảng 800kcalo, protein khoảng 15g.
Mẫu thực đơn:
ORS uống theo nhu cầu, càng đi nhiều càng phải uống nhiều.
6 giờ 30: cháo đường 300ml (gạo 30g, đường 20g, muối 5g); táo tây nghiền hoặc ổi chín nghiền 100g.
9 giờ 30: súp cà rốt 400ml (cà rốt 200g, đường 20g, muối 5g); sữa chua đậu tương 150ml (đậu tương 15g, đường 10g).
12 giờ: cháo đường 400ml, táo nghiền hoặc ổi nghiền 100g.
15 giờ: súp cà rốt 400ml.
19 giờ: cháo đường 300ml, sữa chua đỗ tương 200ml.
Hiệu quả dinh dưỡng của thực đơn: năng lượng = 1.072 kcalo. Trong đó: đạm: 16,65g; chất béo: 2,5g; bột đường: 238,8g.
Giai đoạn 2: bệnh nhân đã đỡ tiêu chảy.
Tổng năng lượng đưa vào: 1.200kcalo trở lên. Trong đó: đạm (protein): 30g (khoảng 0,6g/kg/ngày); bột đường 250g trở lên; chất béo: 10g; muối nêm vừa miệng; nước uống theo nhu cầu, thêm nước quả.
Mẫu thực đơn:
6 giờ 30: sữa chua đỗ tương 200ml (đỗ tương 20g, đường 5g), bánh quy 50g.
10 giờ: cháo thịt 400ml (gạo 60g, thịt 30g), sữa chua đỗ tương 200ml.
14 giờ: súp rau nghiền (gạo 30g; khoai 100g, cà rốt 100g, thịt 30g).
18 giờ: cháo thịt 400ml (gạo 60g, thịt 30g), táo tây nghiền hoặc chuối chín 100g.
Hiệu quả dinh dưỡng của thực đơn: năng lượng = 1.265kcalo. Đạm: 37,8g; chất béo: 13,2g; bột đường: 223,62g.
Giai đoạn 3 (giai đoạn phục hồi). Ăn theo chế độ ăn bình thường có tăng đạm, calo, vitamin.
Mẫu thực đơn:
6 giờ 30: cháo đường (gạo 50g, đường 30g), bánh quy 50g.
10 giờ: cơm 100g, thịt hấp 40g, canh rau cải (rau cải 50g).
14 giờ: khoai nghiền trứng 300ml (khoai 200g, trứng gà 50g).
18 giờ: phở thịt (bánh phở 200g, thịt nạc 50g), sữa chua đỗ tương 200ml (đỗ tương 20g, đường 20g).
Hiệu quả dinh dưỡng của thực đơn: Năng lượng = 1504,6kcalo. Trong đó: đạm: 52,27g calo từ đạm 13,5%; chất béo 11,04g calo từ chất béo 6,5%; bột đường 278,23g.
Theo suckhoedoisong
Leave a Reply