Cách giảm đau khi đẻ
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Xem tử vi năm 2016 Bính Thân cho 12 con Giáp dựa theo ngày sinh !!!
Đau đẻ là một phản xạ có điều kiện. Thực tế cho thấy ai đẻ cũng đau. Tuy nhiên, có người ngưỡng chịu đau tốt và có người ngưỡng chịu đau yếu hơn. Vậy đau đẻ do đâu? Làm gì để giảm đau khi đẻ?
Khi đẻ tử cung của sản phụ có những cơn co bóp giúp thai nhi di chuyển từ trên bụng xuống khung chậu và xổ ra ngoài qua âm hộ. Ban đầu các cơn co ngắn, nhẹ và thưa, sản phụ chỉ cảm thấy tử cung cứng một chút, sau đó cơn co mau dần, từng cơn và kéo dài. Chính các cơn co đó đã gây đau từng cơn cho sản phụ. Có người khi đau la thét quằn quại, thậm chí lên cơn hoảng loạn, tình trạng này hay gặp ở người đẻ con so. Nhưng cũng có người khi đẻ không hề rên rỉ kêu la mà chỉ thấy đau buốt lưng và khi thai sổ sẽ thấy đau hơn do khung chậu giãn ra để thai xuống.
Để giúp sản phụ đỡ đau khi đẻ, gần đây tại các bệnh viện chuyên khoa sản đã áp dụng một số phương pháp như tiêm thuốc (tuy nhiên biện pháp này cũng có những tác dụng phụ không mong muốn cho cả mẹ và con). Một phương pháp tâm lý được áp dụng rộng rãi đã cho thấy rõ tác dụng giúp đẻ đỡ đau và an toàn. Qua theo dõi các sản phụ khi chuyển dạ, sản phụ nào có lòng tin ở thầy thuốc và cơ sở y tế hoặc được thầy thuốc tiếp đón, đối xử thân mật, tư vấn đầy đủ về quá trình đẻ, được hướng dẫn các động tác giảm bớt đau thì họ vượt cạn một cách dễ dàng. Vì vậy, chị em mang thai lần đầu nên theo học những lớp chăm sóc trước sinh tại bệnh viện sản khoa để được hướng dẫn về quá trình đẻ diễn biến ra sao và cần biết làm gì khi có cơn co tử cung.
Đặc biệt hướng dẫn cách thở đúng ở thời kỳ chuyển dạ và rặn đẻ. Cụ thể khi không có cơn co thì đi lại nhẹ nhàng trong phòng, có thể làm động tác đánh (vỗ) hông theo hướng dẫn của nữ hộ sinh giúp cho cuộc chuyển dạ mau tiến triển, nếu nằm nghỉ thì nên nằm nghiêng, thở đều, thở sâu, khi có cơn co thì thở nhanh kết hợp xoa nhẹ vùng xương cùng cụt; khi cần rặn đẻ thì nên làm những động tác gì, khi không cần rặn nữa thì cần làm gì… Chị em học lớp này sẽ được tập dượt thực hành các động tác cần thiết đó và như vậy cuộc để sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, để sinh đẻ an toàn, khi mang thai chị em cần thực hiện dinh dưỡng phù hợp và khám thai định kỳ phát hiện những bất thường của thai và mẹ để tiên lượng cuộc đẻ chính xác. Nếu bà mẹ có các bệnh lý như tim mạch, hen phế quản, tiểu đường, nhiễm độc thai cần được quản lý và điều trị theo dõi chặt chẽ, phối hợp giữa bác sĩ chuyên khoa và cần đăng ký đẻ ở bệnh viện chuyên khoa sản để được xử trí đúng thuốc cũng như phẫu thuật nếu cần và chăm sóc sơ sinh khi có bất thường.
Theo Suckhoedoisong
Leave a Reply