Không nên xem thường khi bị khàn tiếng
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Xem tử vi năm 2016 Bính Thân cho 12 con Giáp dựa theo ngày sinh !!!
Tiếng nói là kết quả kết hợp nhuần nhuyễn giữa vỏ não, các dây thần kinh dẫn truyền và nơi phát ra âm thanh là thanh quản, miệng, mũi, hầu, răng, môi.
Thanh quản bình thường (trên) và tổn thương viêm thanh quản (dưới).
Thanh quản là cơ quan hẹp nhất của đường thở, là nơi phát ra âm thanh. Tuy không phải thanh quản là cơ quan quyết định để phát ra tiếng nói, nhưng tiếng nói được phát ra chủ yếu bởi thanh quản.
Thanh quản được cấu tạo bởi 2 cái phễu nối liền với nhau ở khoảng hẹp nhất là khe thanh môn, khoảng cách giữa hai dây thanh ngăn phần trên là thượng thanh môn và phần dưới là hạ thanh môn. Thanh môn có 3 chức năng chính: một là chức năng hô hấp; hai là chức năng bảo vệ đường thở: nhờ hai phản xạ là co thắt, ngăn không cho dị vật (lỏng, đặc) rơi vào khí quản, phổi và phản xạ ho để tống dị vật ra ngoài; ba là chức năng phát âm, phát ra âm thanh, tiếng nói.
Âm thanh được phát ra khi không khí đi qua khe thanh môn làm rung hai dây thanh tạo nên tiếng nói. Khi phát âm hai dây thanh khép kín thì âm thanh phát ra đồng đều, giọng trong có âm sắc, tạo nên âm thanh đặc trưng riêng của từng người. Nếu khi phát âm mà hai dây thanh không khép kín thì tiếng nói sẽ bị khàn, giọng không đều, mất tiếng, mất âm sắc…
Khàn tiếng sẽ xảy ra trong các trường hợp sau: viêm thanh quản do bạch hầu, lao thanh quản, viêm thanh quản cấp tính do nhiều loại vi khuẩn, viêm thanh quản mạn tính…; nang hạt xơ, polyp ở thanh quản, khối u, ung thư họng và thanh quản; liệt dây thần kinh quặt ngược; dị vật ở thanh quản; sẹo hẹp do chấn thương hoặc do đặt ống nội khí quản. Ngoài ra còn có những yếu tố nguy cơ gây khàn tiếng như: phải làm việc nơi nóng ẩm, nhiều tiếng ồn, hơi nước hoặc độ ẩm cao, có nhiều bụi và hóa chất; những người phải nói nhiều như giáo viên, phát thanh viên, nhân viên bán hàng, ca sĩ…
Khàn tiếng và các triệu chứng đi kèm
Theo các nhà chuyên môn: khàn tiếng là triệu chứng có sớm và trung thành nhất của các bệnh lý ở thanh quản. Một khi đã bị khàn tiếng, chất lượng của tiếng nói giảm, cơ thể phản ứng bằng cách cố gắng nói to lên, kết quả là khàn tiếng càng nặng. Nếu bệnh nhân càng nói cố sẽ càng mệt, hình thành vòng tròn lẩn quẩn của quá trình khàn tiếng. Bệnh nhân bị khàn tiếng hoặc mất tiếng. Khi bác sĩ khám bệnh có thể thấy: niêm mạc thanh quản đỏ, nhiều dịch nhày, mủ chảy từ hạ họng vào thanh quản, băng thanh thất bị phù mọng, dây thanh âm có màu đỏ, phù dày, trên dây thanh có nhiều dịch nhầy, mạch máu đỏ. Chụp phim Xquang có thể phát hiện khối u trung thất. Có khi thấy hình ảnh nhát roi thanh quản do đập vào nhau quá mạnh, đột ngột gây nên một điểm loét tiếp xúc, xảy ra sau một gắng sức của giọng quá mạnh như ca sĩ tự nhiên hát bài hát có tần số cao quá khả năng của mình, một người đột ngột tức giận hét lên…
Chữa trị và phòng ngừa thế nào?
Chữa khàn tiếng phải tùy nguyên nhân mà có cách xử trí thích hợp. Các thuốc cần dùng gồm: kháng sinh, chống viêm, hạ sốt, an thần, giảm ho, giảm phù nề. Súc họng bằng dung dịch nước muối sinh lý 9%o. Dùng máy khí dung với dung dịch kháng sinh kết hợp corticoid, hoặc bơm thuốc trực tiếp vào thanh quản. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, ăn uống nhẹ nhàng, tránh các loại thức ăn lạnh, hạn chế dùng rượu, bia, thuốc lá, cà phê… Tăng cường ăn hoa quả, uống trà gừng nóng. Hạn chế hoặc nói đến khi khỏi thì càng tốt.
Hàng ngày, bệnh nhân nên súc miệng nhiều lần bằng nước trà đặc có pha chút muối ăn. Pha 2 muỗng cà phê mật ong trong 250ml lít sữa tươi hâm nóng rồi uống từng ngụm thật chậm, nhiều lần trong ngày. Ngưng hút thuốc lá, thuốc lào trong thời gian mất tiếng vì thuốc lá có thể phá hủy tác dụng của các biện pháp điều trị nói trên.
Phẫu thuật cắt bỏ tổn thương, loại bỏ khối u, kết hợp với chạy tia phóng xạ và hóa chất. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được luyện âm giọng nói, tránh thói quen phát âm xấu như đột ngột nói to có thể gây khàn tiếng.
Để phòng tránh mất tiếng, cần thực hiện nhiều biện pháp phối hợp như: tránh gió lùa vào phòng ở hay phòng làm việc, xe hơi. Không chỉnh nhiệt độ quá thấp trong phòng làm việc khi dùng máy điều hòa nhiệt độ, chỉ nên để mức 25 – 28oC. Nên mặc quần áo đủ ấm nếu phải làm việc nhiều giờ trong phòng quá lạnh, nhất là vùng cổ, ngực.
Không nên uống nước quá lạnh, hay quá nóng, rất nên bỏ thói quen uống nước đá dù trong những ngày nắng nóng. Tránh trường hợp quần áo đang ướt đẫm mồ hôi mà lại bước ngay vào phòng máy lạnh. Tránh nói to, nói nhiều, gào thét…
Theo suckhoedoisong
Leave a Reply